Giải pháp và thiết bị giáo dục

LỚP HỌC THÔNG MINH

1. Lớp học thông minh là gì?

Lớp học thông minh là giải pháp phòng học tích hợp đầy đủ các công cụ dạy và học có được từ việc kết nối các thiết bị như máy vi tính, màn hình tương tác, bục giảng thông minh, hệ thống âm thanh, máy chiếu vật thể …, máy tính được tích hợp đầy đủ các dữ liệu cần thiết như: sách giáo khoa điện tử, giáo trình điện tử bộ môn theo đúng với sách giáo khoa chuẩn của bộ Giáo dục và Đào tạo. Và một phần mềm quản lý, phần mềm giúp cho giáo viên thực hiện tổ chức toàn bộ quá trình dạy và học trong một giờ dạy – bao gồm các hoạt động tương tác giữa thầy và trò thông qua việc sử dụng các thiết bị đã tích hợp trong phòng học thông minh.

Mỗi công cụ trong số các công cụ dạy học trên đều dựa trên công nghệ mạnh mẽ, thân thiện, dễ sử dụng, nhưng tất cả đều được thiết kế hoạt động một cách đồng bộ để làm sinh động nội dung giảng dạy, nâng cao hứng thú học tập, tạo cho giáo viên và học sinh một môi trường học tập sinh động, thú vị và đạt hiệu quả cao, giúp cải thiện rõ rệt kết quả học tập của học sinh. Việc học của học sinh trở nên đơn giản và hiệu quả hơn.

Phòng học thông minh là giải pháp cho phép tăng cường khả năng tương tác đa chiều giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh qua việc dạy nhóm, học nhóm , thảo luận nhóm thông qua phần mềm quản lý lớp học.

Giáo viên có thể điều hành lớp học và giám sát bài học trên máy của học sinh được chọn hoặc tất cả các máy học sinh trong lớp chỉ với một vài thao tác đơn giản trên máy của giáo viên.

Học sinh có thể dễ dàng luyện tập các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết ngoại ngữ nhờ hệ thống âm thanh chất lượng cao của phòng học, thảo luận nhóm, thảo luận theo chủ đề được tạo qua phần mềm quản lý lớp học.

2. Hoạt động của phòng học thông minh

Phòng học thông minh hoạt động trên nền tảng ứng dụng CNTT và truyền thông trong quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động GD; đồng thời xây dựng môi trường tương tác giữa học sinh với học sinh và giữa giáo viên với học sinh.

Đây là mô hình ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất phục vụ việc học tập và giảng dạy, giúp bài giảng trở nên trực quan, sinh động, khơi gợi hứng thú học tập của học sinh. Mô hình lớp học thông minh gồm có: máy vi tính, màn hình tương tác, bục giảng thông minh, hệ thống âm thanh, máy chiếu vật thể …

THANH TOÁN KHÔNG TIỀN MẶT

1. Thanh toán không dùng tiền mặt

Thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức thanh toán bằng các phương tiện khác không phải tiền mặt như tài sản, chứng chỉ có giá trị tương đương. Người tiêu dùng có thể sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mà không làm thay đổi giá trị tiền mặt tương đương.

Theo đó, người tiêu dùng có thể sử dụng các loại giấy tờ có giá (chứng chỉ tiền gửi, chứng khoán,...), tài sản hữu hình (ngoại trừ vàng, bạc) hoặc sử dụng công cụ thanh toán thông qua các tổ chức tín dụng thay vì người mua và người bán trao đổi tiền mặt trực tiếp như phương thức truyền thống.

Mục đích của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt là để hạn chế việc lưu thông tiền mặt trong nền kinh tế, giảm được các chi phí cần thiết phục vụ cho lưu thông tiền mặt. Từ đó làm giảm thiểu chi phí xã hội và giúp tiết kiệm thời gian.

2. Thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu hướng tăng tại Việt Nam

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong những tháng đầu năm nay đã tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành công nghiệp tài chính nói riêng và toàn nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng đã tăng lên đáng kể. Các tính năng, tiện ích đã được tích hợp vào thẻ ngân hàng để người tiêu dùng có thể thanh toán hàng hóa, dịch vụ một cách đơn giản, nhanh chóng. Song song với đó, các ngân hàng cũng đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ.

Hiện nay, người dân cũng đã hiểu được những lợi ích mà thanh toán không dùng tiền mặt đem lại. Nếu như trước đây bạn luôn phải mang theo tiền mặt khi đi ăn uống, mua sắm thì giờ đây chỉ với một tấm thẻ hay điện thoại di động là đã hoàn tất quá trình thanh toán. Các cửa hàng, quán cafe, nhà hàng,... đã chuẩn bị sẵn những thiết bị cần thiết để người tiêu dùng có thể thanh toán bằng nhiều phương thức khác nhau. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người bán và người mua.

3. Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt

Những hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến ở Việt Nam hiện nay, gồm có:

Thanh toán sử dụng séc: Séc là một loại chứng từ thanh toán để ghi nhận lệnh trả tiền của chủ tài khoản hoặc người đại diện của chủ tài khoản. Séc được lập trên mẫu in sẵn theo quy định của pháp luật. Dựa vào thông tin ghi trên séc, tổ chức quản lý tài khoản trích một khoản tiền từ tài khoản tiền gửi thanh toán vô điều kiện để chi trả cho người thụ hưởng.

Thanh toán sử dụng giấy ủy nhiệm chi: Ủy nhiệm chi là phương thức thanh toán mà người trả tiền tạo lệnh thanh toán theo mẫu của ngân hàng. Theo đó, người trả tiến hành gửi ủy nhiệm chi cho ngân hàng nơi mình mở tài khoản để yêu cầu trích một số tiền nhất định trong tài khoản để trả cho người thụ hưởng.

Thanh toán qua thẻ ngân hàng: Thẻ ngân hàng là công cụ thanh toán không dùng tiền mặt được sử dụng từ lâu. Thẻ ngân hàng được tích hợp nhiều tính năng tài chính như chuyển tiền, rút tiền, thanh toán hóa đơn,...

Thanh toán trực tuyến qua ứng dụng điện tử: Tuy chỉ mới phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây nhưng các ứng dụng điện tử đã được người dân sử dụng rộng rãi. Không chỉ được tích hợp trên các ứng dụng ngân hàng mà nhiều công ty còn xây dựng ví điện tử để tạo sự thuận tiện cho người tiêu dùng. Nổi bật có thể kể đến như MoMo, Zalo Pay, Viettel Pay,...

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác trong kinh doanh. Tức là, người mua hàng có thể sử dụng phương thức bù trừ giữa hàng hóa mua vào và bán ra, phương thức bù trừ công nợ qua người thứ ba, thanh toán ủy thác qua ngân hàng của bên thứ ba,...

Mỗi một phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng. Người bán dựa trên đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của mình cũng như thói quen của khách hàng mục tiêu để đưa ra các phương thức thanh toán phù hợp cho cả hai bên.

4. Lợi ích khi thanh toán không dùng tiền mặt

Thanh toán không dùng tiền mặt mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, cụ thể:

4.1 Đối với kinh tế - xã hội

Giảm chi phí xã hội: Thanh toán không dùng tiền mặt giúp cho các cơ quan tài chính giảm chi phí in ấn, vận chuyển, kiểm soát và lưu trữ tiền. Nhờ đó, các chi phí xã hội đi kèm cũng được giảm xuống mức thấp nhất.

Giảm lạm phát: Lạm phát xảy ra khi đồng tiền bị mất giá. Nếu như dòng tiền mặt trong lưu thông trong nền kinh tế không nhiều thì việc xảy ra lạm phát cũng được giảm thiểu.

Phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố: Những tên tội phạm thường dựa vào những khe hở khi sử dụng tiền mặt để mua sắm vũ khí bất hợp pháp, việc kiểm soát được tiền mặt ở mức thấp giúp hạn chế được những hành vi đó.

4.2 Đối với cá nhân

Nhanh chóng, an toàn: Người tiêu dùng không phải trực tiếp mang tiền đến thanh toán cho người bán như trước đây. Thay vào đó, chỉ bằng một vài thao tác đơn giản trên các thiết bị điện tử là họ đã có thể thực hiện các giao dịch có giá trị lớn, cách xa về mặt địa lý một cách nhanh chóng. Nhờ đó, vấn đề an toàn cũng được đảm bảo. Thanh toán không dùng tiền mặt giúp người dân hạn chế được các tình trạng mất cắp, rơi tiền,...

Tiết kiệm: Bên cạnh việc giúp tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian giao dịch thì thanh toán không dùng tiền mặt còn mang đến cho người tiêu dùng các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Mục đích là để kích cầu tiêu dùng, đồng thời mở rộng mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt ở phạm vi rộng hơn.

Độ chính xác cao: Khi sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, người tiêu dùng không còn phải lo lắng đã kiểm đếm đúng, đủ tiền hay chưa. Bởi vì các ứng dụng thanh toán cho phép người dùng nhập số tiền chính xác đến từng đồng.